Việc học ngữ pháp tiếng Anh là một điều không hề đơn giản, đặc biệt là với trẻ em ở lứa tuổi mầm non. Tuy nhiên với những bí kíp dưới đây, cha mẹ và thầy cô giáo có thể giải quyết “bài toán khó” này một cách đơn giản và hiệu quả hơn.
Trẻ em tiếp thu ngữ pháp như thế nào?
Từ khi sinh ra, bộ não của một đứa trẻ chỉ giống như một tờ giấy trắng. Chính quá trình tiếp xúc với thế giới xung quanh đã giúp trẻ hình thành một những kiến thức và kỹ năng cần thiết. Việc phát triển ngôn ngữ của trẻ cũng vậy. Cần một quá trình để trẻ có thể hoàn chỉnh khả năng của mình. Khác với người lớn, những hiểu biết về thế giới xung quanh của trẻ vẫn còn rất hạn chế. Thêm vào đó, không phải vốn từ vựng của trẻ nào cũng tốt. Việc học ngữ pháp tiếng Anh là một điều không hề đơn giản với các bé. Chính vì thế, đừng bắt ép con mình phải học một khối kiến thức ngữ pháp khổng lồ trong một thời gian ngắn. Hãy nhớ rõ, con bạn học ngữ pháp tiếng Anh theo cơ chế sau đây:
Giai đoạn 1: Nghe và lặp lại trong vô thức. Ở giai đoạn này trẻ chỉ mới lặp lại những gì mà người lớn nói.
Giai đoạn 2: Ghi nhớ các ví dụ. Tùy vào năng lực nhận thức mà có trẻ sẽ hiểu ngay cấu trúc của một câu. Từ đó hình thành cho mình một câu riêng giống với cấu trúc đó. Có trẻ chỉ có thể ghi nhớ các ví dụ mà người dạy trẻ đưa ra. Vì thế hãy thật cẩn trọng trong việc đưa ra các ví dụ.
Giai đoạn 3: Vận dụng vào những trường hợp cụ thể.
Phải luôn nhớ rằng, trẻ em Việt không phải là người bản xứ. Việc học ngữ pháp cần rất nhiều thời gian. Vì thế đừng vội nản lòng với trẻ. Ở những trẻ mầm non, quá trình học ngữ pháp thường dừng lại ở việc nghe và lặp lại. Khi ở những tình huống tương tự, trẻ có thể phản xạ nhanh để nhớ đến những câu đã biết và nói ngay mà không cần suy nghĩ. Các bé lớn hơn sẽ dừng lại ở các giai đoạn cao hơn tùy vào năng lực.
Sau khi hiểu được cơ chế học ngữ pháp của trẻ và đánh giá được năng lực của con bạn, hãy tìm ngay một tài liệu ngữ pháp tiếng Anh cơ bản để học cùng con.
Hãy đề trẻ sáng tạo
Trẻ em với tâm hồn trong sáng và thích tưởng tượng không bao giờ muốn bó buộc bản thân vào bất cứ một khuôn phép nào. Ngữ pháp tiếng Anh lại là một thế giới đầy những nguyên tắc. Chắc hẳn con bạn sẽ phát chán với việc phải học thuộc lòng “thần chú” của từng cấu trúc câu. Thay vì để con áp lực khi phải đối mặt với những thứ mà chúng không thích, hãy để trẻ tự do sáng tạo.
Bí quyết học tốt ngữ pháp tiếng Anh dành cho trẻ là học thông qua các ví dụ. Để có những đứa trẻ thông minh học giỏi, bản thân người dạy trẻ phải là người nắm vững các kiến thức về ngữ pháp tiếng Anh.
Từ những cấu trúc đó, hãy tìm những câu ví dụ hay cho trẻ. Một ví dụ hay phải đáp ứng được 03 tiêu chí: từ vựng đơn giản- gần gũi- dễ nhớ. Lấy một ví dụ hết sức đơn giản, nếu con bạn là một người yêu thích động vật, đừng ngần ngại đặt ngay những ví dụ liên quan đến những con vật mà bé thích. Chẳng hạn: The dog is so cute. Như vậy, khi gặp những loại động vật khác, trẻ cũng có thể miêu tả chúng với một câu đúng ngữ pháp. Muốn hiệu quả hơn nữa, phụ huynh có thể dùng tên của những người thân hay bạn bè mà trẻ yêu mến đến đặt những ví dụ.
Nếu trẻ có tự sáng tạo ra những ví dụ có phần không đúng ngữ pháp lắm, thay vì quát mắng trẻ hãy tỏ ra ngạc nhiên kèm theo sự vui vẻ và chỉnh sửa ngay câu sai của trẻ thành câu đúng ngữ pháp. Sau đó bạn hãy đặt một ví dụ sai ngữ pháp tương tự như trẻ đặt lúc nãy và yêu cầu con sửa lại cho đúng. Qua nhiều lần như vậy, hệ thống cấu trúc ngữ pháp tiếng Anh sẽ trở thành một người bạn mà con không bao giờ quên được.
Lồng ghép trò chơi vào từng bài học
Đừng biến buổi học ngữ pháp tiếng Anh của trẻ chỉ có toàn giấy, bút mà những lời giảng nhàm chán. Hãy để con tương tác cùng bạn. Con bạn cần được lắng nghe và chia sẻ nhiều hơn là bắt ép.
Bên cạnh đó, hãy kể cho trẻ nghe những câu chuyện hay những bài hát bằng tiếng Anh. Trẻ sẽ thích mê với những nhân vật trong câu chuyện mà quên đi mình đang phải học tiếng Anh. Tuy nhiên, cũng cần hết sức lưu ý trong việc lựa chọn những câu chuyện tiếng Anh cho trẻ. Tùy vào độ tuổi và giới tính cũng như sở thích cá nhân của mỗi bé, phụ huynh nên lựa chọn những cuốn sách phù hợp.
Đừng quên việc lặp đi lặp lại những câu đúng với cấu trúc ngữ pháp bé được học trong câu chuyện đó. Việc học ngữ pháp thông qua việc lắng nghe là chưa đủ. Hãy chỉ vào những câu trong sách, truyện để trẻ có thể khắc sâu cấu trúc ấy trong đầu.
Sau khi trẻ đã quen dần với những cấu trúc cơ bản, hãy để trẻ tự kể lại câu chuyện đó. Hoặc đơn giản hơn là đặt những câu hỏi cho trẻ trả lời.
Học cùng bạn bè cũng là cách giúp trẻ quên đi sự nhàm chán khi phải học ngữ pháp tiếng Anh. Một buổi thi đua nhỏ với những phần quà xinh xắn sẽ giúp trẻ có động lực hơn và tập trung hơn trong suốt buổi học.
Tuy học mà chơi, chơi mà học nhưng phải thường xuyên kiểm tra khả năng ghi nhớ và vận dụng của trẻ. Khi có cơ hội hãy mạnh dạn cho con giao tiếp bằng tiếng Anh và hãy chú ý lắng nghe xem cách sử dụng ngữ pháp của trẻ có đúng hay chưa. Nếu chưa bạn hãy chỉnh sửa riêng với trẻ. Đừng làm con phải ngại ngùng trước mặt mọi người.
Hơn hết vẫn là sự nhẫn nại. Đừng để con một mình mà hãy học cùng con, chơi cùng con. Chúc các bạn có những đứa trẻ thông minh và vui vẻ.