Thông tin từ Bộ GD&ĐT, ngày 3/8, cho biết thí sinh tại thành phố Đà Nẵng và một số thành phố, thị xã, huyện của tỉnh Quảng Nam đang thực hiện cách ly xã hội, sẽ thi đợt thứ hai.
Các thí sinh thuộc diện F1, F2 trong cả nước (nếu có) sẽ dự thi cùng thời gian với học sinh của thành phố Đà Nẵng và 6 thành phố, thị xã, huyện của tỉnh Quảng Nam (chưa có thời gian cụ thể).
Các địa phương còn lại tổ chức kỳ thi theo kế hoạch đã đề ra (từ ngày 8-10/8), với các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế và Bộ GD&ĐT.
Những thí sinh thuộc diện F1, F2 thi cùng đợt với thí sinh Đà Nẵng, Quảng Nam, khi ấy, cũng hoàn thành 14 ngày cách ly theo quy định.Tại họp báo Chính phủ chiều cùng ngày, Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết thời điểm tổ chức đợt hai kỳ thi do địa phương đề xuất. Khi đó, tình hình dịch Covid-19 đã được kiểm soát.
Do kỳ thi tốt nghiệp THPT chia thành hai đợt, việc tuyển sinh bằng kết quả thi này cũng chịu ảnh hưởng. Để đảm bảo quyền lợi thí sinh, ông Độ thông tin bộ sẽ có công văn chỉ đạo các trường, cơ sở giáo dục đại học tạo điều kiện thuận lợi, có phương thức tuyển sinh chia chỉ tiêu phù hợp cho từng đợt.
Nói thêm về phương án tổ chức hai đợt thi tốt nghiệp, ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, cho biết Thủ tướng kết luận không thể lùi kỳ thi vì còn liên quan xét tuyển đại học.
“Thẩm quyền quyết định thi thuộc Bộ trưởng GD&ĐT. Những địa phương không thuộc diện giãn cách sẽ thi bình thường. Tuy nhiên, trong quá trình thi, các tỉnh phải có giải pháp phòng chống dịch bệnh như ngồi giãn cách vừa đủ, đeo khẩu trang rửa tay, sát khuẩn”, ông Mai Tiến Dũng nói.
Ngoài ra, ông nói thêm việc xét đặc cách công nhận tốt nghiệp phải tính toán kỹ lưỡng, đặc biệt về vấn đề pháp lý.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho hay theo Luật Giáo dục, học sinh học hết chương trình THPT, đủ điều kiện theo quy định được dự thi, đạt yêu cầu sẽ được cấp bằng tốt nghiệp THPT. Việc xét đặc cách phải tính toán, báo cáo Quốc hội – cơ quan có thẩm quyền quyết định.
“Tuy nhiên, chúng ta phải xem xét việc xét đặc cách ảnh hưởng quyền lợi thí sinh (liên quan xét tuyển đại học, cao đẳng – PV). Đây là vấn đề rất lớn”, ông Dũng nhấn mạnh.
Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nêu ví dụ 42 trường thuộc khối công an, quân đội, sức khỏe chỉ sử dụng phương thức xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT. Do đó, xét đặc cách công nhận tốt nghiệp sẽ thuận lợi cho những thí sinh không đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng. Nhưng với những em mong muốn dùng kết quả thi để tham gia tuyển sinh, cơ quan chức năng cần cân nhắc thêm.
“Hôm nay, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã báo cáo hết các nội dung để địa phương cân nhắc làm thế nào đảm bảo lợi ích cho thí sinh, phụ huynh”, ông Dũng nói.
Ông nhấn mạnh thêm việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT phải đảm bảo vấn đề phòng, chống dịch Covid-19, thực hiện Luật Giáo dục, lịch trình, công tác chuẩn bị của Bộ GD&ĐT và các địa phương để vừa thi tốt, đồng thời không để lây nhiễm trong học sinh, giáo viên, trường học.
Trước đó, sáng 3/8, kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ trưởng GD&ĐT quyết định kỳ thi tốt nghiệp THPT chu đáo, khoa học, không để xảy ra sơ suất.
Nguồn: VTV24